Lượt xem: 971

Để phát triển bền vững nghề nuôi cá bống kèo

Để khai thác tốt tiềm năng nuôi trồng thủy sản ở những địa phương thuộc vùng sinh thái nước lợ, bên cạnh con tôm sú hay tôm thẻ chân trắng, nhiều năm nay, nông dân Sóc Trăng còn phát triển đa dạng các đối tượng vật nuôi khác nhau, trong đó có mô hình nuôi cá bống kèo.

    Mô hình nuôi cá bống kèo tại Sóc Trăng phát triển mạnh từ năm 2007, nhưng sau nhiều năm phải đối mặt với những thiệt hại từ rủi ro dịch bệnh mà diện tích này đã bắt đầu giảm dần theo từng năm. Ngành chuyên môn và hộ nuôi đã và đang triển khai rất nhiều giải pháp hạn chế tình trạng dịch bệnh xảy ra trên cá, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trong quá trình phát triển nghề nuôi.


Tham quan mô hình nuôi cá bống kèo của anh Trương Minh Tường ở tại ấp Bưng Thum, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu. Ảnh Ngọc Thơ

 

    Cá bống kèo là loài cá nước lợ, sống thích nghi ở biên độ mặn dao động từ 0 đến 40 phần nghìn (độ mặn thích hợp nhất từ 05 đến 25 phần nghìn). Cá bống kèo có chất lượng thịt ngon nên được thị trường tiêu thụ ưa chuộng và được phát triển nuôi thâm canh trên ao ở một số địa phương ven biển trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng từ nhiều năm nay, như: Thị xã Vĩnh Châu, Trần Đề, Cù Lao Dung và Mỹ Xuyên... Theo đó, toàn tỉnh hiện có khoảng 500 hecta nuôi cá bống kèo; diện tích này có khả năng phát triển rộng hơn vì có điều kiện sinh thái phù hợp, nhưng lại bị hạn chế do nguồn giống hoàn toàn phụ thuộc vào con giống từ tự nhiên vì việc sinh sản giống nhân tạo chưa thành công. Theo ước tính, với mật độ thả giống từ 50 đến 100 con/mét vuông, mỗi hecta ao nuôi cá bống kèo đạt năng suất trung bình khoảng 05 tấn, cá biệt có ao đạt từ 06 đến 7 tấn/1 hecta. Cá bống kèo chủ yếu được tiêu thụ nội địa với 02 hình thức cung ứng chủ yếu là cá tươi và cá đã qua chế biến làm khô, nên nhìn chung, đầu ra sau thu hoạch đối với con cá bống kèo không phải là vấn đề khó khi thực hiện mô hình.

    Tuy nhiên từ cuối năm 2019, tình hình dịch bệnh trên cá bống kèo xảy ra trên diện rộng đã gây thiệt hại và giảm hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Đơn cử như tại thị xã Vĩnh Châu, được biết đến là một địa phương có diện tích nuôi cá bống kèo thâm canh lớn nhất tỉnh, nhưng 02 năm trở lại đây, diện tích thả nuôi tại địa phương lại liên tục giảm dần. Tính từ đầu năm đến nay, toàn thị xã đã thả nuôi khoảng 200 hecta cá bống kèo, hầu hết ao nuôi đạt khoảng 03 tháng tuổi. Đồng chí Lý Chí Hiếu - Trưởng Trạm Khuyến nông thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Trong năm 2020 tình hình nuôi cá bống kèo của bà con thị xã Vĩnh Châu nhìn chung rất khó khăn. Chủ yếu do bà con đã thả nuôi với mật độ rất cao so với khuyến cáo, đa số từ 100 đến 200 con/01 mét vuông; trong quá trình nuôi bà con chưa chú trọng trong việc chuẩn bị ao lắng cũng như chuẩn bị nguồn nước thể thay cho cá. Bà con thường phòng bệnh cho cá kèo bằng kháng sinh nên khi cá gặp phải bệnh hầu như điều trị không còn hiệu quả...”.

    Nhằm hạn chế rủi ro thiệt hại do dịch bệnh trên cá, hình thức nuôi luân canh và xen canh giữa cá bống kèo với con tôm thẻ hoặc tôm sú đang là giải pháp được nhiều hộ nuôi tại thị xã Vĩnh Châu áp dụng. Như hộ anh Trương Minh Tường ở ấp Bưng Thum, phường Khánh Hòa, thị xã Vĩnh Châu, bên cạnh nuôi nghịch vụ để tăng thêm giá trị lợi nhuận, anh thực hiện thả nuôi luân canh 02 vụ cá, 01 vụ tôm trong 08 ao nuôi với diện tích 3,3 hecta. Nhờ sự linh hoạt trong chuyển đổi canh tác phù hợp với nhu cầu thị trường và điều kiện thời tiết mà trung bình mỗi năm, anh thu được từ  04 đến 05 tấn cá/1 ao, lợi nhuận mỗi ao là 120 triệu đồng sau khi đã trừ chi phí. Trong quá trình nuôi, anh Tường cũng rất chú trọng việc xây dựng ao lắng và cung cấp nguồn nước thường xuyên để thay cho từng ao nhằm đảm bảo môi trường ao nuôi luôn sạch. Anh Tường chia sẻ thêm: “Đối với con cá bống kèo, khi thả nuôi nghịch vụ dù ngay thời điểm chi phí cá giống cao thì 1kg cá thương phẩm vẫn bán được từ 90 đến 100 nghìn đồng. Quan trọng là khi nuôi luân canh một vụ tôm một vụ cá thì mình có thể thay đổi thời vụ cho phù hợp, ví dụ như tháng khó nuôi của con tôm mình có thể nuôi cá và ngược lại. Mầm bệnh còn lưu trong đất, khi nuôi tôm nếu chuyển sang nuôi cá thì cá sẽ ăn dần những tạp chất còn tồn đọng góp phần cải tạo lại ao nuôi, môi trường ao nuôi vì thế sẽ sạch hơn, đồng thời đảm bảo điều kiện an toàn dịch bệnh cho những vụ nuôi tiếp theo”.

    Qua khảo sát nắm tình hình cũng như việc thu mẫu kiểm tra của các nhà khoa học, ngành chuyên môn, bệnh trên cá bống kèo chủ yếu xảy ra trong 03 trường hợp, gồm: Bệnh đốm đỏ, xuất huyết trên thân, vây đuôi và vây hậu môn; bệnh trắng đuôi và bệnh tuột nhớt. Nguyên nhân gây bệnh trên cá bống kèo chủ yếu do mật độ thả nuôi quá dày, môi trường nước bị ô nhiễm và thiếu oxy kéo dài. Phần lớn người nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm là chính, chưa ứng dụng các tiến bộ khoa học và kỹ thuật nên hiệu quả kinh tế đạt được chưa thật sự ổn định. Để nuôi cá bống kèo đạt hiệu quả cao, ngành chuyên môn khuyến cáo bà con cần thực hiện các giải pháp phòng bệnh là chính nhằm hạn chế chi phí phát sinh khi cá không may mắc bệnh. Thạc sĩ Lâm Ánh Tiên - Phó trưởng Phòng kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Sóc Trăng khuyến cáo: “Trong khâu cải tạo bà con lưu ý thực hiện bơm tát cạn, bón vôi và phơi nắng trước khi tiến hành lấy nước vào ao nuôi; chú ý cải tạo thật kỹ để cắt đứt được các mầm bệnh trong vụ nuôi trước. Để làm tốt vấn đề này, cách tốt nhất là thực hiện nuôi luân canh một vụ cá rồi đến một vụ tôm hoặc thủy sản khác rồi mới quay lại nuôi cá. Về môi trường nước vẫn theo kinh nghiệm là từ khi thả cá ở mật độ thấp rồi nâng mực nước lên dần cho đến khi đạt mực nước thích hợp là từ 1m đến 1,2m trở lên. Chú ý thay nước thường xuyên để giữ cho nguồn nước trong ao luôn sạch - với lượng nước được thay tối thiểu từ 20 đến 30% lượng nước trong ao. Chú ý kiểm tra nước 03 ngày một lần, đối với độ pH thích hợp khoảng từ 7.5 đến 8.5 trở lại. Bên cạnh đó nếu phát hiện độ kiềm trong ao quá cao (khoảng từ 180mg/l đến 200mg/l) cũng nên tiến hành thay nước chứ không chờ đến 15 ngày theo kinh nghiệm từ trước đến nay”.

    Trước những áp lực trong quá trình sản xuất nông nghiệp hiện nay, như: Sự bấp bênh về giá, sự dư thừa về nguồn hàng khi cung vượt cầu... thì việc đa dạng các đối tượng vật nuôi thay vì nuôi chuyên canh con tôm là rất cần thiết, trong đó có mô hình nuôi cá bống kèo. Nếu trang bị thật kỹ các giải pháp kỹ thuật theo khuyến cáo, nghề nuôi cá bống kèo nhiều khả năng sẽ còn phát triển mạnh tại Sóc Trăng, cả việc mở rộng về diện tích và sự cải thiện đáng kể về chất lượng nguồn cá thương phẩm; góp phần quan trọng trong việc tạo sinh kế ổn định cho người dân nông thôn và nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích đất sản xuất nông nghiệp khi có thể tận dụng nuôi trong ao tôm hoặc nuôi luân canh, xen canh với một số loài thủy sản khác.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 70
  • Hôm nay: 1460
  • Trong tuần: 70,793
  • Tất cả: 11,864,820